Nhà thơ Cao Xuân Sơn: 'Trang Thế Hy là người thầy lớn của tôi'
Với Cao Xuân Sơn, Trang Thế Hy là nhà văn Nam bộ nghiêm cẩn với chữ nghĩa bậc nhất, dụng công với tiết tấu, nhịp điệu câu văn bậc nhất.
- Nhà văn Trang Thế Hy qua đời sáng 8/12. Là người gắn bó với ông, cảm giác của anh ra sao?
- Sáng sớm 8/12, điện thoại tôi rung lên. Tin dữ đến với tôi từ số máy của nhà văn Trần Đức Tiến - được chuyển tiếp từ tin nhắn của nhà văn Vũ Hồng. Tôi "rơi tự do" mất một lúc sau mới kịp định thần. Cổ họng tôi đột nhiên đắng nghét. Mới mấy hôm trước, tôi cùng đoàn cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng đi giao lưu ở Bạc Liêu - Cà Mau và tham quan Đất Mũi theo chương trình hoạt động của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch. Trên đường về, tôi định rủ họa sĩ Tô Chiêm và chị Lê Thị Dắt (giám đốc Dự án) tranh thủ thời gian ghé qua tỉnh Bến Tre thăm ông Tư (cách gọi thân mật nhà văn Trang Thế Hy).
Ngặt nỗi, ngoài anh em NXB Kim Đồng, trong đoàn còn có nhà văn Sally Altschuler - Phó Chủ tịch hội Nhà văn Đan Mạch - và họa sĩ Tove Krebs Lange cùng đi. Hai vị này đã lớn tuổi, lần đầu ngồi xe đường dài đi về mảnh đất cực Nam của nước ta nên họ đều đã thấm mệt. Nếu đoàn dềnh dàng nữa, sợ phiền cho họ. Tôi đành tặc lưỡi theo cao tốc Trung Lương về Sài Gòn luôn trong chiều để hôm sau các vị khách kịp bay ra Hà Nội. Lúc ấy, bụng bảo dạ: thôi lỡ rồi, để trước Tết rủ rê vài anh em xuống thăm ông Tư luôn thể. Nào ai có ngờ...
Chân dung nhà văn Trang Thế Hy qua tranh vẽ. |
- Anh có kỷ niệm sâu sắc nào với nhà văn?
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất ư? Bây giờ, hết thảy những gì về ông còn lại trong ký ức tôi đều đáng nhớ. Đâu đó chừng năm năm, tôi được ở gần ông trước khi ông "đi chỗ khác chơi" - nghĩa là về quê sống hẳn với vợ con, với ngôi nhà, mảnh vườn thơ ấu.
Trong năm năm đó, ngoài những con chữ, những trang văn rỉ rả, phảng phất buồn như những buổi chiều nhìn mưa dầm, bên chén rượu, tôi có dịp được "đọc" lai rai những trang đời cũng cơ bản là buồn của ông. Một số truyện ngắn sau này như của ông như: Rác và Hoa, Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, Người bào chế thuốc giảm đau, Tiếng khóc và tiếng hát... tôi hay được ông đọc cho nghe những đoạn đắc ý trước khi gửi chúng đến nhà xuất bản.
Có nhiều đoạn hình như vừa viết xong ông đã thuộc, bởi ông đọc mà không cần nhìn vào giấy. Cơ hồ trước đó, ông đã "viết" chúng trong đầu cả chục lần. Biết tôi xuất thân nghề giáo, lại cũng thật bụng biết "sợ chữ", đôi khi ông mang luôn cả những xấp bản thảo viết tay còn "nóng hổi" sang tận nhà thằng nhỏ người Bắc là tôi để nhờ coi lướt chánh tả. Khó mà bắt lỗi ông, dù chỉ là một dấu chấm, phẩy hay dấu chấm phẩy. Có lẽ, ông chính là nhà văn Nam bộ nghiêm cẩn với chữ nghĩa bậc nhất, thích viết câu dài nhất, dụng công với tiết tấu, nhịp điệu câu văn bậc nhất mà tôi biết.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn. |
- Anh cảm nhận được gì qua những tâm tư của cố nhà văn về nghề viết, về thế thái nhân tình?
- Khi ở gần ông, hay sau này thỉnh thoảng có dịp ghé về Bến Tre thăm và trò chuyện với ông, tôi luôn nhận thấy ẩn sau đôi mắt ưa nhìn xuống, vóc dáng nhỏ nhắn, lầm lụi của ông là một Trang Thế Hy tinh tế, "nói vậy mà không phải vậy". Ông bám rất sát thời sự cuộc sống, thời sự văn chương. Tuy nhiên, lạ một điều là ông già Nam bộ này rất dị ứng với ti vi, coi ti vi là một cỗ máy giết thời gian nguy hại với người viết văn. Ông bảo nó dễ làm người ta chết chìm trong biển thông tin. Dường như trong ông luôn có những vấn đề "nóng" để nghĩ, không phải những tin tức "nóng" để tò mò. Tôi chưa từng thấy ông hăng hái cao đàm khoát luận hay để mình bị cuốn theo những chuyện thị phi, thế thái nhân tình. Nhưng về nghiệp chữ nghề văn thì tâm tư ông luôn đau đáu.
- Anh ấn tượng gì qua các tác phẩm của Trang Thế Hy?
- Cả trong văn và ngoài đời, ông thường ứng xử một cách nhẹ nhàng, nhẫn nhịn nhưng rất nguyên tắc: "Cái gì không hoặc chưa kịp yêu mến thì không giả bộ yêu mến".
Ông mê Lỗ Tấn, E. Hemingwey, có thể đọc thuộc lòng nhiều lần cho mọi người nghe cả trang văn xuôi của hai vị tiền bối đó, cũng như những bài thơ dài ngoằng của R. Tagore do chính ông chuyển ngữ. Riêng với văn chương nước nhà, ông thấm thía, nằm lòng từng câu Kiều, dành trọn sự tâm đắc, thán phục bất di bất dịch đối với di sản thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
Sáng tác của ông có nhiều dằn vặt, trăn trở về sứ mạng nhà văn, nghề văn, về sự hữu ích, tính "mua vui" của văn chương... Lũ hậu sinh như chúng tôi, mỗi khi có dịp tề tựu thường được ông sẻ chia những kinh nghiệm bếp núc của nghề viết, những bài học xương máu nơi trường văn trận bút hay đôi khi chỉ là những nét rắc rối, thú vị, ngộ nghĩnh của chữ nghĩa trong lời ăn tiếng nói Bắc - Nam...
Với tôi, ông là người thầy dạy nghề lớn nhất, nghiêm khắc và độ lượng. Từng ngày từng ngày, ông tập cho tôi cách vừa bầu bạn, vừa rắn rỏi chống chọi lại kẻ thù lớn nhất của mình - nỗi buồn.
- Theo anh, đóng góp lớn nhất của Trang Thế Hy cho văn học đương đại Việt Nam nằm ở đề tài nào?
- Tôi thấy đóng góp lớn nhất của ông không hẳn nằm ở đề tài này nọ mà ở chất văn, ở giọng điệu. Hồi còn nhỏ, ở miền Bắc, lũ chúng tôi biết chỉ văn học kháng chiến Nam bộ qua tác giả Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương. Sau đó chúng tôi được đọc thêm Sơn Nam, Vũ Hạnh, Trần Kim Trắc...
Nhưng Trang Thế Hy với tôi mới thực sự khác lạ. Những trang viết của ông khiến tôi nhận ra kẻ sĩ không chỉ "Bắc Hà" và tài tử, uyên thâm... không hẳn chỉ một Nguyễn Tuân. Câu văn Trang Thế Hy dàn trải, buông tỏa phóng túng như kênh mương dẫn nước lên vườn, tưởng miên man vô hướng nhưng kỳ thực đều có kiểm soát. Còn nếu nói về đề tài, đóng góp lớn nhất của Trang Thế Hy theo tôi chính là những đào xới, biện giải rốt ráo của ông xoay quanh mối quan hệ nghệ sĩ và thời cuộc.
Các cây bút thế hệ sau về thăm Trang Thế Hy tại quê nhà ông ở Bến Tre năm 2011. Ảnh: Cao Xuân Sơn |
- Nhiều người nhớ đến Trang Thế Hy là một nhà văn nhưng gần 50 năm cầm bút, Trang Thế Hy còn sáng tác khoảng 20 bài thơ, trong đó có 13 bài được in thành sách. Là một nhà thơ, anh đồng điệu với tác phẩm của ông ra sao?
- Thật thú vị ở chỗ là nhà văn nhưng ông luôn là một độc giả tinh tường, cũng đồng thời là một người tình chung thủy và chưa bao giờ hờ hững của thi ca. Ông đọc nhiều, am tường thơ kim cổ, dịch nhiều thơ Tagore, sau này thích cả Rasun Gamzatov, Oma Khayam... Hơn một lần ông xây dựng nhân vật truyện ngắn của mình là nhà thơ (Thèm thơ, Con mèo hoang và nhà thơ có gia cư...). Bởi vậy, trong văn ông luôn có giai điệu và thơ ông ít khi có vần.
Thơ ông không nhiều nhưng luôn khiến tôi ngạc nhiên. Nó tự nhiên mà hiện đại hơn nhiều thơ của một số nhà thơ luôn nghĩ mình hiện đại. Sẽ thật đáng tiếc nếu nhắc đến ông mà quên nhắc đến những bài thơ hay: Về món đồ chơi của tuổi thơ nghèo, Lời nói dối nhân ái, Tấm vé số và những thiên đường có sẵn, Người bạn đường có tên là hy vọng...
- Vị trí của nhà văn Trang Thế Hy trong làng văn đương đại Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách đúng tầm. Anh chia sẻ suy nghĩ gì về nhận định này?
- Đó là một nỗi xấu hổ của những người có trách nhiệm và là niềm ngơ ngác, xót xa của những người yêu mến Trang Thế Hy. Tuy nhiên, với riêng ông, tôi luôn nghĩ, trước đây cũng như giờ này, ông luôn đủ độ lượng để tha thứ cho tất cả.
Thoại Hà thực hiện
Không có nhận xét nào: