10 phim độc lập đặc sắc xoay quanh đề tài tình dục
"Love" và "Người đàn bà cuồng dâm" đều được làm với kinh phí thấp bởi các hãng phim độc lập ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Love (2015)
Love kể câu chuyện tình thời thanh xuân giữa một chàng thanh niên Mỹ và hai cô gái Pháp. Tại LHP Cannes, phim gây xôn xao trong chương trình Midnight Screenings (Suất chiếu nửa đêm) bởi loạt cảnh trần trụi, làm tình tập thể... Trong phim, ba diễn viên chính cả nam và nữ không ngại để lộ bộ phận nhạy cảm trước ống kính. Thậm chí họ có các cảnh làm tình thật.
Gaspar Nóe là nhà làm phim gốc Argentina sống tại Pháp chuyên gây sốc với những phim cực đoan như Irreversible và I Stand Alone trước đây. Dù chứa nhiều cảnh làm tình, phim là chuyện yêu dịu dàng, nhiều hoài niệm qua góc nhìn của nam giới. Love cũng là phim hiền hòa nhất trong sự nghiệp của đạo diễn 51 tuổi.
The overnight (2015)
Phim hài mới của đạo diễn trẻ - Patrick Brice - gây chú ý tại Liên hoan phim Sundance hồi đầu năm. Phim khai thác tiếng cười bằng dịch vụ tình một đêm kỳ quặc.
Tác phẩm kể về đôi nam nữ mới chuyển đến Los Angeles và được mời tới nhà của cặp vợ chồng lập dị để hẹn hò hoán đổi qua đêm. Sau khi con cái của gia chủ đi ngủ, bốn người lạ mặt bước vào hành trình đam mê hài hước. Có những cảnh nóng kỳ quái, phim dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi). Câu chuyện trào lộng và táo bạo này là một lát cắt về đời sống hôn nhân đương đại ở Mỹ.
La Chambre Bleue (2014)
La Chambre Bleue (Căn phòng xanh) là phim của đạo diễn kiêm diễn viên người Pháp Mathieu Amalric. Tác phẩm độc lập ra mắt trong hạng mục "Một góc nhìn khác" tại Liên hoan phim Cannes 2014. Cốt truyện xoay quanh cuộc ngoại tình giữa nhân viên bán hàng với một phụ nữ bí ẩn, để rồi dẫn đến phạm tội. Thủ pháp thuật chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại giúp người xem hiểu thêm về mối quan hệ giữa tình dục và hành vi tội ác.
Đạo diễn Amalric phô diễn phong cách hình ảnh tinh tế khi kể câu chuyện đầy đam mê nhưng cũng không kém phần bạo lực.
Nymphomaniac (2013)
Đây là phần cuối trong bộ ba phim Depression Trilogy của nhà làm phim người Đan Mạch - Lars von Trier. Thông qua hành trình dục vọng của nhân vật từ lúc còn trẻ cho tới 50 tuổi, phim đi sâu khám phá tâm lý của một phụ nữ mắc chứng cuồng dâm. Bộ phim có tràn đầy các cảnh sex táo bạo và gây sốc với khán giả.
Trước khi được công chiếu, một luồng dư luận cho rằng bộ phim của Lars von Trier chẳng hơn gì một phim khiêu dâm và thiếu đi ý nghĩa của nội dung. Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn được nhiều người coi là một trong những phim khai thác tâm lý nhân vật tốt nhất.
Shame (2011)
Shame đánh dấu sự hợp tác lần thứ hai giữa đạo diễn da màu Steve McQueen và tài tử Michael Fassbender. Bộ phim gây ám ảnh khi khai thác cuộc sống tẻ nhạt và bi kịch của một người đàn ông nghiện tình dục trong xã hội truyền thông số.
Michael Fassbender hóa thân thành thục vào vai một anh chàng 30 tuổi thành đạt, hấp dẫn và có cuộc sống kiểu mẫu. Nhưng áp lực công việc, sự cô đơn và cả ham muốn tình dục dày vò tinh thần anh. Tình dục trong phim là phương tiện biểu đạt đời sống tinh thần kiệt quệ của nhân vật hơn là hạnh phúc. Chứa nhiều cảnh khỏa thân và cảnh nóng bỏng táo bạo, phim cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Secretary (2002)
50 shades of Grey - bộ phim ăn khách của Universal hồi đầu năm - không phải là bộ phim đầu tiên mô tả chuyện tình dục bạo dâm. Năm 2002, đạo diễn Steven Shainberg dựng nên câu chuyện gai góc như thế trong phim độc lập - Secretary.
Trong phim, nữ diễn viên Maggie Gyllenhaal vào vai một cô gái vụng về và thiếu năng lực. Một ngày, cô được thuê làm thư ký cho ông sếp bạo dâm. Cả hai dần bước vào mối quan hệ trần trụi và kỳ quặc. Câu chuyện trực diện về sex, hé lộ tâm lý phức tạp của con người hiện đại. Những cảnh khai thác mối quan hệ khác thường giữa hai nhân vật trong phim vừa táo bạo, vừa hài hước và không phản cảm.
Sex and Lucia (2001)
Tình dục, cái chết và trầm cảm là đề tài chủ yếu trong tác phẩm hoang dại của đạo diễn Julio Médem. Phim là câu chuyện tình yêu đắm say và nhiều nhục dục giữa một bồi bàn nhà hàng và bạn tình văn sĩ. Càng về cuối, tác phẩm càng mang tính gợi dục với nhiều phân đoạn siêu thực lấy bối cảnh ở bãi biển. Câu chuyện không theo trật tự thời gian mà kể từ cuối. Cách kể chuyện này hấp dẫn người xem.
Đây là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của điện ảnh Tây Ban Nha hồi năm 2001. Lúc ra mắt, phim được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt. Nữ diễn viên Paz Vega giành giải Goya "Nữ diễn viên mới nổi tiềm năng".
Sex, lies and videotape (1989)
Năm 1989, đạo diễn Mỹ Steven Soderbergh trở thành nhà làm phim trẻ nhất giành giải "Cành Cọ Vàng" ở Liên hoan phim Cannes nhờ tác phẩm độc lập này. Bộ phim gây ấn tượng từ nhan đề. Các vấn đề về tình dục được đề cập trực diện trong phim. Mọi câu thoại đều nói về tình dục. Khai thác đề tài tình dục, phim chất vấn những câu hỏi về hôn nhân, hạnh phúc và tình yêu.
Cốt truyện xoay quanh cuộc hôn nhân bên bờ vực của cặp vợ chồng hết hứng thú tình dục. Mọi chuyện trở nên phức tạp khi bạn cũ hồi trung học của vợ đến ở nhờ. Người đàn ông lạ ít nói, trầm lặng và bí ẩn, có sở thích quay phim phụ nữ nói về chuyện tình dục.
Last tango in Paris (1972)
Last tango in Paris được đánh giá gợi cảm đến từng khung hình. Trong phim, cặp diễn viên Marlon Brando và Maria Schneider vào vai đàn ông Mỹ góa vợ và cô gái trẻ người Pháp. Họ gặp nhau khi đang đi tìm và cùng muốn thuê một căn hộ. Sau đó, họ bắt đầu mối quan hệ thân xác đắm say để rồi dẫn đến kết cục thảm họa.
Bộ phim ly kỳ cho người xem cảm nhận rõ những nguy hiểm của một mối quan hệ dựa trên tình dục chứ không phải tình cảm. Tác phẩm gợi dục mang về đề cử Oscar đầu tiên cho đạo diễn gạo cội - Bernando Bertolucci.
Belle de jour (1967)
Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Joseph Kessel, phim kể về một phụ nữ trẻ làm nghề gái bán hoa dành cho giới quý tộc vào những buổi chiều giữa tuần. Trong lúc ấy, chồng cô đang đi làm.
Đây là một trong số tác phẩm đầu tiên khai thác trực diện đề tài tình dục của điện ảnh. Hé mở góc khuất tâm trí con người, tác phẩm được liệt vào danh sách phim siêu thực xuất sắc. Phim của đạo diễn Pháp - Luis Buñuel - tạo đà cho tên tuổi minh tinh Catherine Deneuve.
Diệu Loan
Không có nhận xét nào: