Những công trình mỹ thuật tiền tỷ gây tranh cãi năm qua
Tượng tiền tỷ chất lượng kém hoặc tượng có kinh phí cao ngất ngưởng khiến dư luận quan tâm và tranh luận về các công trình mỹ thuật quy mô lớn.
Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng kinh phí 411 tỷ
Tối 24/3/2015, tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam khánh thành sau 7 năm thi công. Tượng đài được dựng trên diện tích 15 ha, thuộc khu vực núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Khối tượng chính làm từ đá hoa cương có chiều cao 18,5 m, hình cánh cung dài 101 m, mang hình ảnh người mẹ giang tay đón các con vào lòng. 20.000 tấn đá hoa cương xây tượng được vận chuyển từ Bình Định về Quảng Nam. Công trình này có kinh phí lên đến 411 tỷ đồng.
Tượng đài dựng tại Quảng Nam này là một trong hai tác phẩm đoạt giải cao nhất của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.
Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). |
Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ. Công trình văn hóa cấp quốc gia này được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận.
Chỉ sau khánh thành vài ngày, khoảng 60 viên gạch tại khu vực hồ phun nước dưới chân tượng đài bị bong tróc, vỡ vụn. Điều này khiến người dân và giới chuyên môn về kiến trúc, điêu khắc có nhiều tranh luận xoay quanh chất lượng của công trình lẫn hiệu quả của số tiền đầu tư.
Tượng đài gắn với cụm công trình nghìn tỉ ở Sơn La
Tháng 8, Hội đồng Nhân Dân tỉnh Sơn La thông qua đề án xây tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng quảng trường trung tâm thành phố Sơn La.
Toàn bộ công trình có diện tích khoảng 20 ha, gồm các hạng mục như: nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài, quảng trường có sức chứa 20.000 người, đền thờ Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bảo tàng tổng hợp. Kinh phí cho công trình 1.400 tỷ đồng được chi cho 7 hạng mục chính, trong đó việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh ước tính 250 tỷ đồng. Theo đó, nguồn vốn cho công trình được cân đối lấy từ: ngân sách nhà nước, vốn chỉnh trang đô thị, khai thác từ quỹ đất và huy động vốn xã hội hóa.
Sau khi đề án này được công bố, nhiều ý kiến cho rằng quy mô công trình quá lớn, chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Thủ tướng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư và công trình chỉ được khởi công xây dựng khi đảm bảo đủ điều kiện cần thiết theo quy định.
Cần Thơ muốn xây tượng đài Thanh niên xung phong 200 tỷ đồng
Đầu tháng 11, Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí gần 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ. Dự kiến, công trình được xây dựng trên diện tích 3,5 ha, tại quận Cái Răng, gần ngã 3 đường dẫn cầu Cần Thơ.
Phối cảnh mô hình tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Ảnh: Cửu Long. |
Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2019 gồm các hạng mục: đài tưởng niệm trung tâm 45 m, tượng đài trung tâm 40 m, tượng các nữ anh hùng Võ Thị Hồng Láng, Nguyễn Thị Đẹp (cùng cao 9 m), phù điêu, đá di tích, nhà quản lý...
Trước thông tin về công trình này, dư luận lại tiếp tục "dậy sóng" về ý nghĩa thiết thực của công trình lẫn quy mô đầu tư cao so với bối cảnh kinh tế và đời sống chung của người dân.
Công trình tượng đài Phan Đình Phùng xây 6 năm, kinh phí 30 tỷ đồng
Trong tháng 6, dư luận quan tâm đến thông tin, quần thể tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng, xây dựng trên diện tích 3,8 ha, tọa lạc tại đồi thông của dãy Động Voi (xóm 3, thị trấn Vũ Quang), có kinh phí 30 tỷ đồng, xây từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Công trình do UBND huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần xây dựng 26/3 thi công. Theo thiết kế, tượng đài gồm 3 pho tượng, sân nền móng tượng, nền tổng thể, cây xanh thảm cỏ xung quanh. Điểm nhấn của công trình chính là ba pho tượng được làm bằng đá xanh, chiều cao 15 m. Pho tượng ở giữa là nhà yêu nước Phan Đình Phùng (1847-1895), thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Hai bên là hai nghĩa sĩ phong trào Cần Vương.
Công trình do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần xây dựng 26/3 thi công. Theo thiết kế, tượng đài gồm 3 pho tượng, sân nền móng tượng, nền tổng thể, cây xanh thảm cỏ xung quanh. |
Cuối tháng 11, Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Phan Đình Phùng thông báo nhóm công trình tượng gồm ba bức nói trên đã hoàn thành với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Trong thời gian tới, những hạng mục còn lại trong tổng thể công trình sẽ tiếp tục được hoàn tất.
Tượng phật trăm tấn ở Thái Bình
Trong tháng 7, tại công trình xây dựng chùa Sắc Thiên Vương, tên cũ là chùa Sóc, ở thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) xảy ra sự cố. Bức tượng Phật cao 15,2 m, nặng hàng trăm tấn, đổ sập tạo ra tiếng động kinh hoàng, 10 công nhân xây dựng may mắn thoát chết. Nguyên nhân ban đầu được cho là thiết kế công trình chưa chuẩn.
Công trình chùa, tượng Phật cao 29,7 m giờ tan nát. Ảnh: Giang Chinh. |
Công trình xây dựng chùa Sắc Thiên Vương không sử dụng ngân sách nhà nước mà huy động từ khách thập phương. Đến 2015, công trình đã khởi công được ba năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
Người chủ trì chùa Sắc Thiên Vương là sư thầy Thích Thiên Từ (39 tuổi), quê Đồng Tháp. Trong bản thiết kế nhà chùa gửi cơ quan chức năng, phần công trình xây dựng chùa rộng hơn 600 m2, có tổng chiều cao 29,7 m, trong đó tượng Phật cao 15,2 m, đài sen cao 4,9 m. Toàn bộ thiết kế do Công ty cổ phần thiết kế kiến trúc An Thái, TP HCM đảm nhiệm.
Vụ việc một lần nữa khiến dư luận bức xúc và bày tỏ lo lắng về việc xây dựng các công trình kiến trúc, mỹ thuật quy mô lớn trong nước nhưng chất lượng nghệ thuật và quy mô đầu tư còn kém chất lượng, cẩu thả, để xảy ra tình trạng hư hỏng, sự cố đáng tiếc.
Trước tình trạng thừa tượng đài kém chất lượng ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia điêu khắc, mỹ thuật... lý giải nguyên nhân là do việc xây dựng các công trình còn thiếu tính biểu tượng, áp dụng công nghệ lạc hậu, xây dựng theo phong trào...
Vân Hiền
Không có nhận xét nào: