Các lỗi sai trong sách 'Madam Nhu Trần Lệ Xuân' được hiệu đính

Dịch giả Mai Sơn thừa nhận bản dịch đầu của sách về bà Trần Lệ Xuân có sai sót ở khâu đối chiếu thông tin và hiện sách đã được hiệu đính ở lần tái bản.

Đầu tháng 2, cuốn sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng, kể về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (bà Nhu, 1924-2011), ra mắt ở Việt Nam. Sách được dịch giả Mai Sơn chuyển ngữ từ tác phẩm đầu tay của tác giả Mỹ - Monique Brinson Demery.

cac-loi-sai-trong-sach-madam-nhu-tran-le-xuan-duoc-hieu-dinh

Bìa sách "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng".

Độc giả đã phát hiện ra một số sai sót trong bản dịch. Ví dụ, ở trang 19, bản dịch ghi ông Ngô Đình Cẩn là "người anh chồng của bà Nhu", trong khi đó, ông Ngô Đình Cẩn là em chồng của bà. Lỗi này được lặp lại ở trang 310. Tuy vậy, nhiều độc giả cũng cho rằng đây là lỗi nằm ở biên tập sách chưa dụng công rà soát lại để kịp điều chỉnh, vì ở trang 81, dịch giả vẫn ghi rõ ông Cẩn là em trai của ông Ngô Đình Nhu.

Ở trang 296, sách viết sau cuộc đảo chính lật đổ ông Ngô Đình Diệm (năm 1963) thì "Tướng Minh Lớn trở thành Tổng thống". Tuy vậy, giai đoạn này, chức danh của ông Minh là "Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng". Đến năm 1975, ông Minh mới nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Ở phần chú thích của sách trang 337, cụm danh từ "Major General Tran Van Don" được dịch thành "Đại tướng Trần Văn Đôn" nhưng ông Đôn chưa bao giờ là Đại tướng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là lỗi đánh máy vì rất nhiều chỗ đề cập đến ông Đôn, dịch giả chỉ ghi là tướng Đôn chứ không phải Đại tướng.

Ở trang 55, đoạn nói về giáo dục trong gia đình họ Ngô, về phần ông Ngô Đình Khả - bố ông Nhu - dạy các con, dịch giả dịch: "Ở trường, ông yêu cầu họ theo học chương trình Âu châu. Ở nhà, ông dạy họ học tiếng phổ thông kinh điển". Nhiều độc giả cho rằng dịch chữ "Mandarin classic" trong bản gốc thành cụm từ "tiếng phổ thông kinh điển" là một lỗi dịch sai, thay vì nên dịch là "... Ở nhà, ông dạy họ học chữ Nho".

Bên cạnh đó, sách còn có các lỗi sai về đánh máy, dịch sai về thuật ngữ liên quan đến các chức danh hành chính, danh từ...  Bản dịch cũng bị nhận xét là có nhiều chỗ thể hiện văn phong dịch trúc trắc, chưa thuần Việt vì bám sát với lối hành văn, cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh.

Dịch giả Mai Sơn đã hoàn thành bản dịch cuốn Madam Nhu từ đầu năm 2015, ban đầu, sách dự định ra mắt vào dịp 30/4/2015. Tuy vậy, do chờ hoàn tất các thủ tục trong khâu phát hành, đến đầu năm 2016, sách mới đến tay bạn đọc. Có một thời gian dài nằm chờ ra mắt, nhưng do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa dịch giả và người biên tập, hiệu đính sách, các lỗi sai chỉ được phát hiện khi sách đến tay độc giả. Sau khi phát hành lần đầu, đơn vị thực hiện sách đã cùng dịch giả rà soát lại các chi tiết sai để hiệu đính sách hoàn chỉnh hơn. 

Chia sẻ với VnExpress, dịch giả Mai Sơn cho biết: "Tôi xin cám ơn tất cả những đóng góp ý kiến của bạn đọc, đặc biệt là một bạn độc giả tên Lê Tiên Long. Đó là những đóng góp rất bổ ích cho công việc dịch thuật của tôi. Trong quá trình dịch, do áp lực về thời gian, sự 'phản bội' của trí nhớ và trí tuệ (mà tôi có chút ít), do kỹ năng, kỹ thuật và sự tỉnh thức không phải lúc nào cũng ở mức tốt nhất, tôi đã mắc phải những lỗi mười mươi với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đây là một cuốn sách 'ngồn ngộn tư liệu' (như bạn Lê Tiên Long đã nhận xét), liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, quân sự, tôn giáo, chính trị, địa lý... của một không gian, thời gian cách xa chúng ta ít nhất là 50 năm. Gần như ở mỗi trang, ngoài việc chuyển ngữ, người dịch đều bắt buộc phải tra cứu, đối chiếu với thực tế bằng những nguồn tài liệu có độ tin cậy khác nhau. Tôi chỉ muốn gửi một lời xin lỗi đến những người mua bản sách in lần đầu còn chứa những sai sót đó. Ở lần tái bản gần nhất, sách đã được hiệu đính những sai sót và có thêm vài chú thích".

Vấn đề bản dịch cuốn Madam Nhu đã khiến nhiều người trong giới chuyên môn lên tiếng tranh luận sôi nổi những ngày qua.

Trao đổi với VnExpress, ông Hồ Đắc Túc - Tiến sĩ ngôn ngữ học xã hội, Đại học Monash (Australia), từng giảng dạy ngôn ngữ tại Đại học Deakin (Australia), là tác giả của cuốn Dịch thuật và tự do - cho rằng nếu dịch giả cẩn trọng hơn, kiểm tra, đối chiếu lại các chi tiết thì đã tránh được sai sót. Những lỗi được chỉ ra trong sách với ông Túc không phải lỗi dịch thuật mà nằm ở khâu đối chiếu. Ở đây, còn phải nhắc đến vai trò của người biên tập, hiệu đính. Người biên tập, hiệu đính có nghề thì cần phải rà soát lại bản dịch. Người dịch thường chịu áp lực về thời hạn giao bản thảo nên chuyện sơ sót là khó tránh khỏi.

"Trừ những lỗi thuộc về biên tập và hiệu đính, theo tôi, đây là cuốn sách dịch tốt.  Thứ nhất, cuốn sách tiếng Việt đã chuyển tải được ý của tác giả nguyên tác về bà Ngô Đình Nhu. Anh Mai Sơn đã ứng dụng một phương pháp dịch mà tôi tạm gọi là 'ngoại hóa' trong lý thuyết dịch thuật, tức là đem lối hành văn của ngôn ngữ xa lạ ở nguyên tác đến với độc giả Việt Nam. Mục đích lớn nhất của điều này vẫn là để cho độc giả Việt cảm được văn hóa, tư duy của tác giả ở bản nguyên tác. Điều này thuộc về quan điểm dịch thuật chứ không phải là dịch sai hay đúng. Ví dụ, trong nguyên tác có những câu ở thể thụ động, khi chuyển sang tiếng Việt, dịch giả vẫn giữ như thế dù dù rằng tôi tin anh Mai Sơn hoàn toàn có thể chuyển câu đó sang thể chủ động theo ngôn ngữ Việt".

Dịch giả Phạm Viêm Phương - người đã đọc cuốn sách cho biết - với ông cuốn Madam Nhu là một cuốn sách cung cấp nhiều điều thú vị về một nhân vật lịch sử. "Có những lỗi được chỉ ra là rõ ràng, ví dụ ghi nhầm ông Ngô Đình Cẩn là anh rể của bà Nhu thì là do người dịch và biên tập, người hiệu đính chưa phối hợp kiểm tra rà soát đối chiếu lại thông tin. Điều đó cũng cho thấy trong đám đông độc giả hôm nay có những người rất giỏi, họ 'ngọa hổ tàng long' và sẵn sàng nêu ý kiến khi cần thiết, đó là lời nhắc nhở người làm sách, dịch giả... cẩn trọng từng chút một trong công việc của mình", ông Phạm Viêm Phương nói.

Trên blog của mình, dịch giả Cao Việt Dũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm về vụ việc. Theo anh, với cuốn sách như cuốn Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng, vấn đề cần bán tán ở đây là nội dung cuốn sách này như thế nào, có đáng quan tâm hay không, sách đáng tin đến mức nào... thay vì chỉ đổ xô vào bàn tán những vấn đề không liên quan.

Với lần in đầu 3.000 cuốn, tác phẩm này nhanh chóng "cháy hàng" trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Đây là lần đầu tiên một cuốn sách về phu nhân của ông Ngô Đình Nhu được phát hành trong nước. Ông Ngô Đình Nhu là cố vấn chính quyền ở miền Nam Việt Nam trước đây.

Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng (tên tiếng Anh là Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu) được Nhà xuất bản PublicAffairs phát hành vào tháng 5/2013. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên về chân dung bà Trần Lệ Xuân phát hành trên thế giới. 

Đầu tháng ba, cuốn Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng đã được tái bản 20.000 cuốn. Đây là một con số tái bản lớn ở một đầu sách về chân dung nhân vật lịch sử từ trước đến nay của công ty Phương Nam, chứng tỏ sức hút của sách. Số sách mới này đã được hiệu đính, chỉnh sửa những thông tin sai lệch trên.

Thoại Hà



Các lỗi sai trong sách 'Madam Nhu Trần Lệ Xuân' được hiệu đính Reviewed by Vĩnh Hưng on 19:33 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Tin nóng 9 © 2014 - 2015
Powered By Blogger, Designed by Sweetheme

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.