Di Li: 'Bịa chuyện trong văn học trinh thám cần rất nhiều kiến thức'

Nữ tác giả trinh thám cho rằng khâu tìm kiếm thông tin rất quan trọng và vất vả, để làm cơ sở sáng tạo, hư cấu nên nội dung. 

- Cảm xúc của chị như thế nào khi hoàn thành tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7"?

- Tôi viết cuốn này lâu quá, từ năm 2009 tới 2015 mới kết thúc, cứ dai dẳng như một món nợ. Khi hoàn thành tôi sung sướng, giống như mình tham gia một kỳ thi, làm bài xong rồi chưa biết kết quả đúng sai thế nào, được đón nhận ra sao. Nhưng cứ xong là phải thở phào đã.

- Điều gì làm khó chị khiến quá trình sáng tác kéo dài?

- Bảy năm để viết Câu lạc bộ số 7, tôi gặp khó khăn lớn về tư liệu. Nhớ những chiều đông rét mướt, tôi lao xe vào Học viện Cảnh sát rồi lân la tìm các cuốn sách, tài liệu chuyên ngành. Tôi bắt chuyện với học viên, tìm hiểu kiến thức từ ông Phạm Huy Thận – nguyên Cục trưởng Cục điều tra, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tôi đọc sách về hình sự, tìm hiểu về văn hóa tâm linh.

Để viết về chi tiết quật mộ, tôi phải hỏi những người nông dân hay làm công việc đó, tìm hiểu xem đào đất mộ ở đồng bằng mất mấy tiếng, còn đào mộ ở vùng đất cao nguyên trong bao lâu. Văn học trinh thám đòi hỏi chính xác đến từng chút.

Khác với việc tìm hiểu kiến thức, quá trình viết hay sáng tác, hư cấu, nói nôm na là “bốc phét” lại là chuyện đơn giản với tôi. Với truyện trinh thám, bịa sao cho đúng, cho hợp logic thì cần rất nhiều kiến thức. 

di-li-bia-chuyen-trong-van-hoc-trinh-tham-can-rat-nhieu-kien-thuc

Di Li là tác giả thành công với văn học trinh thám.

- Điều gì khiến chị viết tiểu thuyết với nhiều tội ác man rợ?

- Trong xã hội, tội ác ngày càng tinh vi, man rợ. Một lần tôi đọc tin người ta tìm thấy xác một phụ nữ bị móc mất hai mắt. Vụ đó cũng như nhiều vụ khác, tôi không đọc được thông tin hoặc không nơi đâu đưa tin kết luận. Sự việc khiến tôi viết cuốn tiểu thuyết trinh thám từ cái chết của những cô gái bị mất một bộ phận trên người.

Khi viết, tôi có làm phép thử với một vài người. Những người đọc các vụ thảm án đều sốc. Tội ác trong trang sách của tôi cũng chỉ là phản ánh hiện thực. Nhưng tôi tìm hiểu ý nghĩa nhân bản trong các án đó, tập trung lý giải hành động của người gây tội có nguồn gốc từ đâu. Tức là tôi chọn lý giải tâm lý hành vi. Chức năng của văn chương là tìm về bản ngã con người. 

- Nhân vật chính Phan Đăng Bách trong "Câu lạc bộ số 7" khác gì so với chính anh ta trong tiểu thuyết "Trại hoa đỏ" trước đây của chị?

- Nhân vật Phan Đăng Bách xuất hiện từ chương sáu của Trại hoa đỏ một cách bất đắc dĩ. Hồi tôi đang viết Trại hoa đỏ thì biết có cuộc thi sáng tác về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân. Vì thế, tôi đưa nhân vật này vào để có thể tham gia cuộc thi. Đến cuốn thứ hai, nhân vật Phan Đăng Bách xuất hiện từ đầu, có số phận và tính cách riêng biệt. Đặc tính của văn chương là xây dựng nên những nhân vật, tính cách điển hình. Tôi muốn Phan Đăng Bách phải quyết liệt hơn nữa.

Ngoài Phan Đăng Bách, nhân vật Mai Thanh của Trại hoa đỏ cũng xuất hiện trong cuốn mới. Đó là một thủ pháp lặp đi lặp lại của trường phái viết theo series. Độc giả sẽ còn gặp Đăng Bách và Mai Thanh trong những cuốn trinh thám tiếp theo của tôi.

- Chị gửi gắm thông điệp gì khi xây dựng câu chuyện tình yêu vào trong tiểu thuyết trinh thám này?

- Trước nay, những nhân vật đã trở thành hình tượng trong xã hội như bác sĩ, nhà giáo, người công an thường được xây dựng theo khuôn thước. Sáng tạo hình tượng người công an theo đó cũng thường khô khan, cứng nhắc. Tôi muốn xây dựng hình ảnh người công an có thân phận, có bi kịch, có cuộc sống mưu sinh… như mọi con người đều có. Người công an trong tác phẩm của tôi có đủ hỉ nộ ái ố.

di-li-bia-chuyen-trong-van-hoc-trinh-tham-can-rat-nhieu-kien-thuc-1

Hai tiểu thuyết trinh thám của Di Li.

- Văn học trinh thám chia nhiều dòng, chị chọn cho mình hướng đi nào khi sáng tác?

- Trinh thám với tôi là đi tìm lời giải cho câu đố: “Ai là thủ phạm?”. Thể loại này có nhiều trường phái: suy luận logic, giải mật mã, tâm lý hình sự, giám định pháp y… Tác phẩm của tôi theo trường phái tổng hợp, tức là có tất cả các hình thức trên. 

Người ta cứ bảo viết trinh thám dễ ăn khách nhưng đó không phải là lựa chọn khôn ngoan ở nước ta. Trên thế giới, đây là một trong những thể loại giải trí đỉnh cao. Ở Việt Nam, sách của những tác giả trinh thám ăn khách cũng chỉ in khoảng 3.000 bản, không tái bản nhiều.

- Chị có kế hoạch gì với thể loại văn học trinh thám?

- Đến nay, tôi mới có hai tác phẩm. Tôi mong muốn viết nhiều hơn. Hiện tôi có ý tưởng cho ba cuốn và đang bắt đầu. Nếu sớm thì năm 2016 sẽ hoàn thành, chậm nhất là trong năm 2017.

Trước đây, tôi viết nhiều thể loại, truyện ngắn, du ký, tản văn… Những năm tới, tôi sẽ không viết gì khác ngoài trinh thám. Công việc ngoài viết lách tôi cũng bỏ bớt để tập trung cho chữ nghĩa.

Di Li tên thật là Lê Diệu Linh, sinh năm 1978. Chị được đánh giá là một cây bút nữ đang nổi với dòng văn học trinh thám, kinh dị. Khi xuất bản tiểu thuyết trinh thám đầu tay Trại hoa đỏ, tác phẩm trở thành hiện tượng của làng văn Việt Nam. Di Li sáng tác truyện ngắn, tản văn, bút ký, viết giáo trình, dịch văn học. Chị có gần 30 đầu sách được in. Truyện ngắn của Di Li được dịch in thành sách tiếng Anh và tiếng Hà Lan.

Câu lạc bộ số 7 là tiểu thuyết trinh thám kinh dị mới nhất của Di Li. Tác phẩm kể về quá trình điều tra cái chết của bảy cô gái. Tội ác có liên quan tới một nhóm giáo phái mang nặng tư tưởng hận thù. Tác phẩm được đang được giới phê bình đánh giá cao.

Lam Thu thực hiện



Di Li: 'Bịa chuyện trong văn học trinh thám cần rất nhiều kiến thức' Reviewed by Vĩnh Hưng on 15:05 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Tin nóng 9 © 2014 - 2015
Powered By Blogger, Designed by Sweetheme

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.